Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cao Bằng

http://hdnd.caobang.gov.vn


ĐBQH tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Chiều 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tham gia phát biểu góp ý một số nội dung đối với Luật Thanh  ra (sửa đổi).
Đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với việc chuyển nội dung về Ban thanh tra nhân dân, quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng trình Quốc hội đồng thời cùng với Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng thời cho rằng, hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở, không liên quan đến hoạt động thanh tra mang tính quyền lực nhà nước.
Về tổ chức thanh tra sở, theo đại biểu, dự thảo luật quy định chưa hợp lý. Vì việc thành lập thanh tra sở tại Khoản 2, Điều 27 dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương. Tuy nhiên, tại điều 30 về tổ chức của thanh tra sở lại quy định “Thanh tra sở có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và thanh tra viên”.
Theo đại biểu, quy định như vậy được hiểu tổ chức thanh tra sở gồm ít nhất 3 người là chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và thanh tra viên. Tuy nhiên thực tế hiện nay, theo chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nhiều sở bộ phận thanh tra sở chỉ có 2 - 3 người, quy định về tổ chức cấp phòng thuộc sở dưới 5 biên chế chỉ có trưởng phòng.
Đại biểu đề xuất dự thảo luật nên bỏ quy định về tổ chức của thanh tra sở tại Điều 30 dự thảo luật và quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực, biên chế được giao tại địa phương mà UBND tỉnh quyết định thành lập và quy định tổ chức biên chế như Khoản 2, Điều 27 dự thảo luật đã quy định.
Tại Khoản 3, Điều 111 về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể tỷ lệ số tiền được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra là bao nhiêu? Cơ quan soạn thảo cần đưa ra cơ sở tính toán dựa trên thực tế của con số tỷ lệ trích lại để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, không nên quy định bỏ lửng như dự thảo luật bởi trong thực tế có những vụ việc thanh tra thu hồi tài sản rất lớn. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước có quy định việc trích phần thu từ các khoản thu cho các hoạt động của cơ quan Nhà nước, do vậy nội dung này của Luật Thanh tra cũng phải quy định sao cho phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

Tác giả: Hoàng Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây