Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cao Bằng

http://hdnd.caobang.gov.vn


Cao Bằng: Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp cuối năm 2021

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán luôn tăng cao. Nhằm đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường, các ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai nhiều giải pháp điều tiết thị trường, dự trữ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
ảnh minh họa
Toàn tỉnh hiện có 5 siêu thị lớn, 79 chợ và nhiều cửa hàng, quầy hàng, các hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng, đại lý cho thấy lượng hàng hóa khá dồi dào, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Các đơn vị chuẩn bị nguồn hàng từ trước, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa và bình ổn giá; nhiều đơn vị đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân… chưa có biến động nhiều, giá cả ổn định. Cụ thể, gạo tẻ từ 9.000 - 18.000 đồng/kg, gạo nếp loại ngon 26.000 - 35.000 đồng/kg, thịt bò loại I 250.000 - 280.000 đồng/kg, gà ta 130.000 - 150.000 đồng/kg, giá thịt lợn dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg... Các mặt hàng công nghệ, điện tử, tiêu dùng, xăng dầu, gas tăng nhẹ; các loại quả: bưởi, cam, táo, xoài, ổi, dưa hấu… giá tăng nhẹ từ 3 - 5%, trung bình từ 30.000 - 80.000 đồng/kg; các loại quả nhập khẩu có giá từ hơn 100.000 đến hơn 300.000 đồng/kg…
Để bảo đảm cân đối nhu cầu hàng hóa, góp phần bình ổn giá cả thị trường, Sở Công thương ban hành kế hoạch thực hiện phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp độ của dịch Covid-19. Phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, đơn vị liên quan, UBND các huyện, Thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, cân đối cung cầu, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh... Đồng thời, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp kinh doanh thương mại có phương án dự trữ nguồn hàng, chuẩn bị tốt các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán với giá cả hợp lý, chất lượng an toàn; tổ chức vận chuyển, cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu tới các cửa hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lập danh sách kiểm tra định kỳ đối với các nhà phân phối, các đơn vị cung ứng hàng hóa, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung kiểm tra đối với nhóm sản phẩm, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương. Cung cấp, công khai số điện thoại đường dây nóng của đội quản lý thị trường quản lý tại các địa bàn, tiếp nhận những phản ánh về tình hình thị trường, các hành vi vi phạm để kịp thời xử lý.
Việc giá cả thị trường không có nhiều biến động tạo sự yên tâm khi mua sắm của người dân. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng, tránh tích trữ hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi mua sắm để bảo đảm an toàn.                          

 

Tác giả: Hoài Vũ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây