Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Chủ nhật - 31/10/2021 22:47
Ngày 30/10 - ngày làm việc cuối của đợt I, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, đại diện lãnh đạo một số ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự kỳ họp Quốc hội tại điểm cầu Cao Bằng
Các đại biểu tham dự kỳ họp Quốc hội tại điểm cầu Cao Bằng

Tham gia thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của đất nước. Vì vậy, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Các đại biểu đề nghị: Cơ cấu lại không gian kinh tế phải bao hàm kinh tế vùng, kinh tế ngành, đảm bảo phát triển bền vững và đa số người dân đồng thuận. Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả trên cơ sở củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế, khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát…

Gop ý vào dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các đại biểu đề nghị cần làm tốt việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, tạo thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; cần xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng KT - XH; bố trí đất đai cho các khu công nghiệp hợp lý. Cần đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số công trình, dự án trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sát với thực tiễn; việc xác định chỉ tiêu, quy mô diện tích một số công trình, dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn cao so với khả năng thực hiện của địa phương; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, tính khả thi chưa cao. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn, các nguồn tài nguyên, thổ nhưỡng làm cơ sở phân vùng các khu vực để quy hoạch bố trí sử dụng đất phát triển bền vững. Phân tích xu hướng biến động của các loại đất làm cơ sở dự báo nhu cầu đất đai, căn cứ để xác định nhu cầu sát với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Cần xem xét các tiêu chí, đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạn chế tác động biến đổi khí hậu, xác định bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và có chỉ giới đỏ khoanh vùng bảo vệ…

Kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp.

Tác giả: K.X

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay6,214
  • Tháng hiện tại47,644
  • Tổng lượt truy cập8,499,920
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây