Phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển còn nhiều khó khăn

Thứ ba - 25/04/2023 22:08
Việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thành 3 khu vực theo trình độ phát triển là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đảm bảo minh bạch, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả phân định vẫn còn hạn chế, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ chưa đạt hiệu quả.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Thạch An
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Thạch An

NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển của các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II, 1.551 xã khu vực III. Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 phê duyệt danh sách 2.027 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh triển khai thực hiện quy trình thủ tục xác định xã khu vực III và thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 33 về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương; tập trung quán triệt mục đích, trình tự nội dung tiến hành rà soát của từng cấp (huyện, xã, xóm) nhằm đảm bảo công tác phân định đạt chất lượng, hiệu quả. Qua rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tỉnh hiện có 124 xã khu vực III, 4 xã khu vực II, 33 xã khu vực I; 996/1.462 thôn ĐBKK.

Ghi nhận qua đợt giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục xác định xã khu vực III và thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy nhiều hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách. Đơn cử, tại buổi làm việc với UBND huyện Bảo Lạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Cương nêu rõ: Theo rà soát phân định, huyện có 15 xã thuộc khu vực III, 1 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 121/146 thôn thuộc diện ĐBKK. Tuy nhiên, do thời gian rà soát ngắn, kết quả đánh giá hộ nghèo tại các địa phương chưa thật sự chính xác, dẫn đến kết quả xác định xã khu vực III, thôn, bản ĐBKK cũng chưa chính xác. Một số thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, còn nhiều khó khăn nhưng do thiếu tiêu chí hộ cận nghèo không đủ để thuộc diện thôn, bản ĐBKK, hoặc số thôn, bản, xã ĐBKK không đủ tỷ lệ để xã thuộc khu vực III; ngoài ra việc phân định không tính đầy đủ các yếu tố đặc thù của địa phương về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện sống… nên mục tiêu phân định khu vực làm cơ sở cho việc đầu tư các chính sách chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế địa phương. 

 

Không nằm ngoài những khó khăn, bất cập chung khi triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết: Thực hiện quy trình, thủ tục xác định xã vùng III và thôn ĐBKK theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát, huyện có 15 xã thuộc khu vực III, 3 xã khu vực II, 3 xã khu vực I; 139/203 thôn ĐBKK. Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT năm 2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực đã tác động, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ĐBKK; một số xã khu vực II nay chuyển thành xã khu vực I dẫn đến sự chênh lệch về địa bàn hưởng thụ chính sách, quá trình triển khai một số chính sách gặp hạn chế như: hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, cán bộ công tác ở vùng ĐBKK, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ kinh doanh...”. 

Việc áp dụng kết quả phân định theo trình độ phát triển để hoạch định chính sách phát triển giáo dục ở các vùng này gặp nhiều khó khăn do thiếu tính ổn định. Để đảm bảo tính công bằng, nhiều chế độ, chính sách cần phải dựa trên đặc điểm địa hình khó khăn, hiểm trở của miền núi, vùng cao để có chính sách thu hút cán bộ. Vì vậy, việc phân định vùng DTTS&MN khoa học, hợp lý và đảm bảo tính ổn định làm cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển ở vùng này là vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay.

KIẾN NGHỊ TỪ CƠ SỞ

Thực hiện Quyết định số 33 và Quyết định số 612, qua rà soát, điều chỉnh, bổ sung, toàn tỉnh hiện có 124 xã khu vực III, 4 xã khu vực II, 33 xã khu vực I; 996/1.462 thôn ĐBKK. Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng, với kết quả này, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh giảm 481 thôn ĐBKK so với giai đoạn 2016 - 2020, so với giai đoạn 2016 - 2020 là 1.430 thôn; thôn ĐBKK thuộc xã khu vực II là 19 thôn, giảm 149 thôn so với giai đoạn 2016 - 2020 là 168 thôn... Đối với các xã, thôn vừa thoát khỏi diện ĐBKK chủ yếu do không đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn (thấp hơn 15%). Thực tế các địa bàn này tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao, đang rất cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí, huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo và chính sách dân tộc có liên quan trên địa bàn tỉnh. 

Trước những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An Ngô Thế Mạnh kiến nghị: Các bộ, ngành cần xem xét việc đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng đời sống còn nhiều khó khăn. Đối với công tác giáo dục có chính sách hỗ trợ đối tượng học sinh không còn được hưởng chế độ xã thuộc khu vực III để khuyến khích con em cũng như giúp các hộ gia đình.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy, khi áp dụng Điều 3 Quyết định số 861 sẽ ảnh hưởng đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách, việc cắt giảm ngay các chế độ, chính sách đối với các xã, trong đó có chính sách an sinh xã hội, chính sách vay vốn cho xã, thôn ĐBKK, hỗ trợ sản xuất, chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân, người dân tộc thiểu số sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý đối tượng thụ hưởng; trong khi thực tế đời sống người dân tộc thiểu số, người dân của các xã này còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đây là một thách thức lớn đối với chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh, nhất là trong điều kiện đời sống nhân dân vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Để đồng bào thích nghi với chính sách mới, quan điểm của thành viên đoàn giám sát là nên cắt giảm có lộ trình, quan điểm này phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, đó là “giảm dần chính sách cho không, thực hiện hỗ trợ có điều kiện”; cần kịp thời xây dựng bộ tiêu chí phân định phù hợp hơn để khắc phục những hạn chế, bất cập.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn khẳng định: Về phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển là cơ sở để thực hiện các chính sách chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống, giảm nghèo. Đồng thời, áp dụng để thực hiện các nội dung chính sách về giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội khác, cụ thể hóa các nội dung quy định của một số luật… Những chính sách áp dụng kết quả phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến quan trọng về hạ tầng cơ sở thiết yếu, ổn định đời sống, giảm nghèo cho đồng bào vùng DTTS&MN, góp phần thực hiện các nguyên tắc công tác dân tộc; từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS&MN với các vùng, miền khác; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN, khu vực biên giới, địa bàn ĐBKK...

Tác giả: Nông Huế

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay13,774
  • Tháng hiện tại190,403
  • Tổng lượt truy cập8,212,924
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây