BÀN VỀ "QUYỀN CHẤT VẤN" CỦA ĐẠI BIỂU TẠI KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thứ tư - 18/09/2024 00:16
Trong những năm qua, HĐND tỉnh rất coi trọng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Nhất là tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh bố trí ít nhất 1/2 ngày thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi giám sát.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn không ngừng được nâng cao, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi có sự tranh luận, giải trình (trao đi – đổi lại) ngày càng thiết thực và hiệu quả. Nội dung chất vấn thể hiện được những vấn đề mang tính bức xúc, thời sự vừa thể hiện tính bao quát, tính đại diện cho đông đảo cử tri. Các đại biểu cũng đã mạnh dạn và có kinh nghiệm hơn trong việc đặt câu hỏi tranh luận, truy vấn để làm rõ vấn đề. Người trả lời chất vấn hạn chế giải thích dài dòng, lan man, có lãnh đạo ngành đã dám nhận trách nhiệm khi ngành mình để xảy ra sai sót trong thực thi nhiệm vụ. Có thể nói, chất vấn đã trở thành nội dung có sức thu hút, được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy hoạt động chất vấn vẫn còn nhiều hạn chế như: số lượng câu hỏi chất vấn chưa nhiều chủ yếu tập trung vào đại biểu hoạt động chuyên trách, nội dung câu hỏi, kỹ năng đặt vấn đề chất vấn của đại biểu HĐND và trả lời chất vấn của thủ trưởng một số sở, ngành nội dung chưa đảm bảo, chưa đi vào những vấn đề bức xúc có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, còn nhiều vấn đề chưa được truy vấn đến cùng để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, việc theo dõi, giám sát thực hiện “lời hứa” sau chất vấn chưa thật chặt chẽ đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn tại kỳ họp….

Nguyên nhân của những hạn chế trên, trước hết do nhận thức của một số đại biểu HĐND cũng như lãnh đạo một số sở, ban, ngành chưa đúng, chưa đầy đủ về hoạt động chất vấn và quyền chất vấn của HĐND, về kỹ năng và kinh nghiệm chất vấn, về trách nhiệm trả lời chất vấn; có tình trạng ngại va chạm ở một số đại biểu HĐND, lãnh đạo cơ quan chức năng. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn, trong bài viết này, xin được bàn thêm về một số vấn đề liên quan sau đây:

Trước hết, cần tìm hiểu khái niệm về "chất vấn".

Qua tra cứu một số từ điển tiếng Việt, nhìn chung "chất vấn" được giải thích như sau: Chất = gặn hỏi; vấn = hỏi; chất vấn = hỏi và yêu cầu phải giải thích rõ ràng, hoặc là hỏi cho ra lẽ, hỏi với tính chất bắt buộc phải trả lời, hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì. Theo từ điển tiếng Việt trực tuyến, đó là việc "Đặt vấn đề hỏi một cơ quan chính quyền về một điều thắc mắc và yêu cầu trả lời"; cũng cần phân biệt "chất vấn" với "thẩm vấn", "điều trần", "hỏi thông thường". Điều trần: trình bày chính thức trước cơ quan đại diện nhà nước để giải thích, biện bạch về vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm; thẩm vấn: hỏi một cách tỷ mỹ, kỹ càng; hỏi thông thường: hỏi để biết thông tin. Tuy nhiên, trong chừng mực, những khái niệm đó có nét tương đồng nhau.

Quyền chất vấn của đại biểu HĐND được quy định tại khoản 1, Điều 96 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 đó là: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn”; khoản 1, Điều 84 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2016 quy định: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND….”

Tại Điều 60 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2016 cũng quy định rất rõ về cách thức chất vấn, trả lời chất vấn, thời gian trả lời chất vấn…; Cùng với đó tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2016 có nêu: “Đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương”

Từ khái niệm về "chất vấn" trong hoạt động chất vấn của HĐND có thể giải thích: Chất vấn của HĐND trước hết, đó là hoạt động giám sát, thể hiện tính quyền lực của HĐND. Đại biểu HĐND nêu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời.

Từ việc giải thích khái niệm và căn cứ theo các quy định của pháp luật, có thể khái quát hoạt động chất vấn của HĐND bao gồm các yếu tố:

Chủ thể chất vấn, chỉ có đại biểu HĐND mới có quyền chất vấn, cử tri không có quyền chất vấn mà chỉ có quyền kiến nghị. Ở đây cần lưu ý rằng, đại biểu HĐND với tư cách là cá nhân chứ không thể nhân danh tập thể để chất vấn như là Tổ đại biểu, các Ban HĐND hay Thường trực HĐND. Đối tượng chất vấn gồm Chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND. Như vậy, cùng do HĐND bầu ra, nhưng các chức danh như: Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch HĐND, thành viên các Ban HĐND không phải đối tượng trả lời chất vấn, còn Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND thì phải trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn là những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định đối với các cơ quan chuyên môn và của cá nhân người phụ trách. Nếu nội dung chất vấn vượt ra khỏi chức năng, quyền hạn của cơ quan, cá nhân bị chất vấn là không đúng quy định. Mục đích của chất vấn nhằm làm rõ khuyết điểm, quy kết trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân bị chất vấn một cách công khai, qua đó khắc phục các khuyết điểm, hạn chế của cơ quan hoặc người bị chất vấn, đồng thời HĐND có thể sử dụng quyền hạn của mình để ra nghị quyết hoặc thông báo kết luận về nội dung chất vấn. Thông qua chất vấn, HĐND và cử tri kiểm tra năng lực điều hành, quản lý, mặt khác cảnh báo cho cơ quan, đối tượng bị chất vấn về vấn đề cần quan tâm, lưu ý. Hình thức chất vấn, trước tiên, đại biểu HĐND gửi phiếu chất vấn đến người bị chất vấn qua Thường trực HĐND để tổng hợp, sau đó có thể đặt những câu hỏi liên quan đến nội dung đã gửi văn bản và trực tiếp đến người bị chất vấn. Nguyên tắc trả lời chất vấn, trong thời gian tổ chức kỳ họp, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp tại kỳ họp, đầy đủ về nội dung mà đại biểu chất vấn trước toàn thể HĐND; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục. Giữa hai kỳ họp, thời hạn trả lời chất vấn do HĐND quyết định. Hiệu quả của chất vấn, đó là HĐND ra nghị quyết hoặc ban hành thông báo kết luận về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm trả lời chất vấn khi xét thấy cần thiết.

Qua việc phân tích nội hàm của chất vấn, thiết nghĩ đại biểu HĐND và lãnh đạo các sở, ban, ngành cần quan tâm một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần hiểu “quyền chất vấn” không chỉ là quyền riêng của cá nhân đại biểu mà là quyền giám sát của HĐND. Đại biểu chất vấn là thể hiện trách nhiệm trước tập thể HĐND và cử tri. Chất vấn không phải là việc “bới lông tìm vết”, hoặc chỉ trích người bị chất vấn mà để làm rõ trách nhiệm chính trị của người bị chất vấn trước những biểu hiện yếu kém, trì trệ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Qua chất vấn, cảnh báo cho người bị chất vấn nguy cơ xảy ra vấn đề trầm trọng, sai lệch trong quản lý, điều hành, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Thứ hai, trong khoảng thời gian rất ngắn tại kỳ họp, đại biểu HĐND cần quan tâm lựa chọn nội dung nào là thiết thực nhất, quan trọng nhất, phản ánh được cái chung, chứa đựng tính thời sự, tính bức xúc nội cộm, vừa mang lại hiệu quả cao, tránh tình trạng dàn trải, thiếu tập trung.

Thứ ba, chất vấn phải có mục đích và cần đi đến cùng. Nếu chất vấn không có mục đích làm rõ khuyết điểm, quy kết trách nhiệm, hoặc để thay đổi tốt hơn cách quản lý, điều hành của thủ trưởng các sở, ban, ngành thì chất vấn chỉ là hình thức, nửa vời, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ tư, Chủ tọa điều hành kỳ họp phải linh hoạt, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, đồng thời biết cách gọi mở vấn đề và dừng đúng lúc khi chất vấn không đúng trọng tâm hoặc dài dòng; kết luận mỗi vấn đề chất vấn cần ngắn gọn, cụ thể, thể hiện chính kiến, công tâm, khách quan, phân minh rõ ràng.

Thứ năm, Điều 60 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2016 nêu rõ: “HĐND có thể ra nghị quyết về việc chất vấn...”. Đây là vấn đề rất quan trọng góp phần đảm bảo cho HĐND hoạt động có thực quyền và hiệu quả. Vì vậy, HĐND cần ban hành nghị quyết để buộc người trả lời chất vấn phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình.

Như vậy, hiểu rõ nội hàm của “chất vấn” sẽ giúp cho các đại biểu HĐND, lãnh đạo các cơ quan liên quan cùng nhau chia sẻ, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Qua đó, thể hiện rõ trách nhiệm đối với cử tri, với nhân dân, cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tác giả: Lưu Tuyết Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay17,212
  • Tháng hiện tại308,210
  • Tổng lượt truy cập8,330,731
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây