Đại biểu thảo luận tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng

Thứ tư - 12/07/2023 05:31
Sáng 12/7, các đại biểu đã tiến hành phiên thảo luận tại hội trường để tiếp tục cho ý kiến vào các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp và các vấn đề được cử tri quan tâm.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh phát biểu
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh phát biểu
Các đồng chí: Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Thanh Tùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Thạch - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Liên quan các vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận tại tổ chiều qua và tại hội trường sáng nay, lãnh đạo một số sở ngành cũng đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu còn ý kiến.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bế Xuân Tiến Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP đến hết năm 2023 đạt 8%, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bế Xuân Tiến cho biết: Tốc độ GRDP nhiều năm liền không đạt 8%, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh chung gặp khó khăn, thách thức về tăng trưởng kinh tế, GRDP của tỉnh đạt 3,29%, trong đó một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, xây dựng có tăng trưởng. Qua tính toán về tính khả thi, năm 2023 cũng chỉ đạt GRDP từ 6 - 7%, kéo theo đó các chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ không cao. Điều này ngoài những nguyên chủ quan còn do những nguyên nhân khách quan. Đến nay, có nhiều dự án (DA) mặc dù đã đôn đốc, thúc đẩy nhưng vẫn không triển khai được, tập trung vào một số DA thủy điện, phát triển đô thị, DA tuyến cao tốc đường bộ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chưa khởi công. Về mặt giải pháp, xác định sẽ phải rà soát, điều chỉnh lại một số kịch bản tăng trưởng của năm 2023. Tiếp tục tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, duy trì ổn định về sản lượng, diện tích bởi nông nghiệp có vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế; tập trung vào một số DA có khả năng triển khai (đường cao tốc, tăng giá trị điện sản xuất; nâng cao sản lượng khoáng sản); tập trung giải ngân xây dựng cơ bản... Vấn đề đặt ra dài hạn làm sao nỗ lực triển khai được những DA lớn, điều này đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tỉnh về kịch bản tăng trưởng bảo đảm điều hành cụ thể, linh hoạt, có tính khả thi cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trả lời ý kiến của cử tri đối với việc cấp giống cây trồng không đúng thời vụ, theo nhu cầu của người dân nên không hiệu quả. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Sở đang thực hiện DA bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, có trồng rừng tập trung, trồng 1 triệu cây phân tán, trồng rừng thay thế. Ngành chuyên môn cấp phát giống cây lâm nghiệp theo đúng nhu cầu của người dân. Giải thích về việc cấp phát không đúng thời vụ, do giữa tháng 5/2023 mới tổ chức xong đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng giống theo quy định của pháp luật, đây là thời điểm nắng nóng, khô hạn kéo dài nên có một số hộ dân ở các địa phương trồng cây không phát triển được, một số nơi chưa trồng.

Đối với việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở theo Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng gia súc, giai đoạn 2022 - 2025. Hiện nay, việc di dời chủ yếu sử dụng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, các địa phương không phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn cũng như chưa huy động được nguồn lực ngân sách địa phương. Đề nghị các địa phương chủ động lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, đồng thời huy động các nguồn đóng góp từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện.

Để thực hiện mục tiêu thu ngân sách năm 2023, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Viết Long nhấn mạnh sẽ tăng cường công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, xác định rõ các nguồn thu; tìm các nguồn khác để bù đắp các khoản hụt; duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; điện tử hóa, số hóa các khâu trong quản lý thuế; tham mưu, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử để quản lý doanh thu thực tế của các hộ kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện đấu giá sử dụng đất; thu lệ phí trước bạ qua mua bán tài sản, bất động sản…

Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh thảo luận, làm rõ hơn vấn đề về bố trí công an chính quy về các xã, thị trấn. Hiện Công an tỉnh đã bố trí trên 930 đồng chí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, đạt tỷ lệ 6,1 đồng chí/xã. Đối với 44 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự mỗi xã được bố trí đủ 8 đồng chí. Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương điều động, tăng cường công an chính quy cho các xã, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao, phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã có ít nhất 8 công an chính quy trở lên theo chủ trương của Bộ Công an.

Tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh xảy ra trong 6 tháng đầu năm 90 vụ, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022; là 1 trong 10 tỉnh có số lượng phạm pháp hình sự thấp nhất. Tuy nhiên, tội pham xâm hại tình dục, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tăng, 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 12 vụ, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, 4 vụ đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là người trong gia đình, đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Qua đánh giá có một số nguyên nhân chính: Tác động của mạng xã hội; nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; do trẻ chưa có lỹ năng tự bảo vệ mình, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng, xâm hại... Công an tỉnh đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đạo đức, lối sống ở khu dân cư; giáo dục kỹ năng tự phòng vệ cho trẻ em; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường răn đe, phòng ngừa các hành vi phạm tội. Xác định trẻ em là đối tượng bảo vệ cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở, để trẻ em được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ tốt nhất, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu phấn đấu nâng cao điểm số và thứ hạng các Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trong năm 2023 và những năm tiếp theo, điều kiện tiên quyết là các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự quan tâm, chủ động, quyết liệt, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tăng cường chỉ đạo, thống nhất, đồng bộ, nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số gắn với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tạo thói quen cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xác định rõ đối tượng của các nhóm chỉ số để thực hiện hiệu quả.

Làm rõ thêm về tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Dương cho biết, năm học 2022 - 2023, từ bậc mầm non đến THPT thiếu 539 giáo viên, nhân viên, nhiều nhất tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, trong đó, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu 77 giáo viên Tin học, 83 giáo viên tiếng Anh, cũng là tình trạng thiếu giáo viên chung của cả nước. Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2022, dự kiến trúng tuyển 386 giáo viên. Ngành sẽ tham mưu cho tỉnh bổ sung số giáo viên tuyển mới cho các cơ sở giáo dục chậm nhất trong tháng 8/2023 để đảm bảo nguồn giáo viên năm học mới 2023 - 2024. Để đáp ứng yêu cầu day học theo chương trình mới, vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục mầm non hiện còn thiếu nhiều, nhất là phòng học bộ môn. Tỉnh đã quan tâm chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành nhưng do kinh phí đầu tư lớn nên cần có lộ trình và thời gian thực hiện.

Một số vấn đề khác được đưa ra thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, như: nâng cấp đường nông thôn; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; việc tiêm phòng cho gia súc; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh; chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng trụ sở làm việc của HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành... Các ý kiến tập trung đi sâu vào vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Chiều nay, kỳ họp sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.

Tác giả: Nông Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


logoquanlykyhop copy

chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay6,518
  • Tháng hiện tại209,262
  • Tổng lượt truy cập6,914,358
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: hdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn hdnd.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây