Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội đền Kỳ Sầm

Thứ tư - 21/02/2024 06:02
Tiếp tục chương trình khảo sát, ngày 19/2, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đến khảo sát công tác tổ chức lễ hội đền Kỳ Sầm tại xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng. Đồng chí Nông Hải Lưu, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh và các phòng chuyên môn.
Đoàn khảo sát tại khu vực trưng bày sách, báo Xuân
Đoàn khảo sát tại khu vực trưng bày sách, báo Xuân
Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao (1025 - 1055), dân tộc Tày, nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp bảo vệ đất nước ở thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Ông là con của thủ lĩnh Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng. Vốn thông minh, được về kinh đô Thăng Long theo học, Nùng Trí Cao trở thành người có tài thao lược, đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong chức Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên. Sau khi ông mất, Vua Lý phong là Khâu Sầm Đại Vương. Đền Kỳ Sầm được xây dựng từ thời nhà Lý.
Lễ hội đền Kỳ Sầm được khai hội từ tối mùng 9 và ngày mồng 10 tháng giêng hằng năm.  Đây là dịp để mọi người đi vãn cảnh và hái lộc đầu năm. Tại đêm khai hội, đúng 23h30 phút, các nghi lễ theo hình thức truyền thống được tiến hành.  Sau hồi trống, kèn, các nam thanh, nữ tú dâng lễ vào chùa. Các cụ cao niên tiến hành nghi lễ dâng rượu, đọc sớ lễ cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, quê hương giàu mạnh, mong một năm mới toàn thể nhân dân có nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Theo ghi nhận, đã có hàng nghìn người dân và du khách thập phương đến Đền thắp hương, xin lộc cầu cho một năm mới mạnh khỏe, bình an, phát tài, phát lộc, an khang thịnh vượng.

Lễ hội Đền Kỳ Sầm là một trong các lễ hội lớn của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trẩy hội, vui xuân. Lễ hội được tổ chức với phần lễ và phần hội. Người dân đến chùa, đền không chỉ để cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát tài, phát lộc... mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết Xuân. Bên cạnh các trò chơi dân gian như: cờ tướng, tung còn, đu tre, đi cà kheo, bịt mắt đập bóng...đến với lễ hội người dân và du khách còn được thưởng thức các không gian văn hóa, văn nghệ truyền thống như hát then, chế tác đàn tính, thư pháp và được giới thiệu các sản vật đặc hữu của địa phương…

Qua khảo sát thực tế Đoàn ghi nhận công tác tổ chức và quản lý lễ hội đưọc chuẩn bị chu đáo, trước khi vào mùa lễ hội, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đồng thời có sự phối, kết hợp cùng các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương để triển khai tổ chức lễ hội. Để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, Ban tổ chức lễ hội phân công, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, đến việc cải tạo mở rộng lối đi lại, thành lập các tổ giúp việc để hướng dẫn, phân luồng hạn chế tình trạng chen lấn, gây mất trật tự tại khu vực tổ chức lễ hội. Ngoài ra, để lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, Ban Tổ chức Lễ hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách hiểu về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không đốt vàng mã, hạn chế thắp hương, giữ gìn cảnh quan môi trường... 

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu mong muốn trong thời gian tới Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội tiếp tục tổ chức hợp lý và quản lý chặt chẽ đối với các loại hình dịch vụ trong lễ hội, có những biện pháp chế tài cụ thể để răn đe và xử phạt hợp lý, tránh tái diễn những tiêu cực. Tuyên truyền, giáo dục đồng thời kết hợp với nhân dân địa phương, huy động nguồn lực tham gia trong công tác tổ chức lễ hội, khuyến khích sự sáng tạo làm phong phú, mới mẻ hình ảnh của lễ hội nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống. Có những chính sách khen thưởng, đãi ngộ đối với những cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức về các giá trị của di tích và lễ hội bằng nhiều hình thưc như: tuyên truyền qua sách, báo, trưng bày, triển lãm tranh, ảnh, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích cho nhân dân tại địa phương… Huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích qua đó khai thác được những kinh nghiệm bảo tồn của cộng đồng, tận dụng được khả năng sáng tạo, hiểu thêm về các tập tục truyền thống, bồi dưỡng thêm kiến thức trong công tác quản lý… góp phần làm phong phú thêm những giá trị của di tích và lễ hội. Thường xuyên kiềm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cảnh quan di tích, các hoạt động tín ngưỡng, các hạng mục công trình kiến trúc, cây di sản… để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi gây ảnh hưởng tới di tích, kịp thời đưa ra những biện pháp bảo tồn phù hợp. Cần đẩy mạnh công tác thanh tra và kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình thực hiện từ đó tham mưu cho các cơ quan chủ quản để xử lý triệt để những tiêu cực còn tồn tại...

 Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh Cao Bằng nói chung và di tích lịch sử - văn hóa đền Kỳ Sầm nói riêng được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, qua đó giáo dục truyền thông đoàn kết, yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ ngày này, đồng thời tạo nên nguồn nội lực to lớn phát triển du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng./.

Tác giả: Nông Thị Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


logoquanlykyhop copy

chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay7,188
  • Tháng hiện tại209,932
  • Tổng lượt truy cập6,915,028
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: hdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn hdnd.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây